BA TRỤ CỘT CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ: CHÍNH QUYỀN SỐ - KINH TẾ SỐ - XÃ HỘI SỐ!

Thứ hai - 07/08/2023 16:26 425 0
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính

CHÍNH QUYỀN SỐ LÀ GÌ?
Để hiểu rõ về khái niệm Chính quyền xã số, chúng ta nhắc lại khái niệm về Chính phủ số. Chính phủ số là bước phát triển tiếp theo của Chính phủ điện tử và bao hàm Chính phủ điện tử. Các đặc điểm chủ yếu của Chính phủ điện tử là:
► Xử lý văn bản không giấy.
► Họp không gặp mặt.
► Xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc.
► Thanh toán không dùng tiền mặt.
► Đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách hành chính.
Chính phủ số có đầy đủ các đặc điểm chủ yếu này, bổ sung thêm các đặc điểm chủ yếu mới là:
► Có toàn bộ hoạt động sẵn sàng trên môi trường số.
► Có khả năng ra quyết định hiệu quả dựa trên số liệu theo thời gian thực thay cho dựa trên số liệu cấp dưới báo cáo cấp trên.
► Có khả năng cung cấp dịch vụ số mới cá thể hóa đến từng người dân, cắt giảm thủ tục hành chính.
► Có khả năng giải quyết các bài toán tồn tại dai dẳng trong xã hội.
Chính quyền xã là đơn vị có quan hệ mật thiết, trực tiếp nhất với người dân trên
địa bàn. Do đó, một trong những nội dung quan trọng nhất của chính quyền xã số là việc xử lý các thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Tức là thay vì yêu cầu người dân đến các trụ sở chính quyền, khai báo hồ sơ bằng giấy để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân thì chính quyền xã tạo nên môi trường để người dân có thể ở nhà và nộp hồ sơ cho chính quyền thông qua hình thức trực tuyến.

 

KINH TẾ SỐ LÀ GÌ?
Kinh tế số không chỉ bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, mà còn là sản xuất và kinh doanh trên môi trường số. Các đặc điểm chủ yếu của kinh tế số là:
► Sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính.
► Sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Kinh tế số bao gồm:
► Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông.
► Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến.
► Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế của các ngành, lĩnh vực được gia tăng đáng kể nhờ đầu vào công nghệ số và dữ liệu số, với môi trường số là không gian hoạt động chính.
► Kinh tế xã số là việc vận dụng các nền tảng, các giải pháp công nghệ số vào các hoạt động kinh tế trên địa bàn để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ví dụ như làng cá Vũ Đại, nhờ ứng dụng công nghệ số mà đưa được sản phẩm đặc sản của mình tới mọi miền của Tổ quốc được dễ dàng và thuận lợi hơn. Những hoạt động này vừa giúp tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình mà còn quảng bá hình ảnh, duy trì được văn hoá của làng.
XÃ HỘI SỐ LÀ GÌ?
Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ Chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hoá số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với Chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số. Công dân số là ai? Chín yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hoá trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: Từ chỗ gần như không thể tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh.
VĂN HÓA SỐ LÀ GÌ?
Văn hoá trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn trong xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hoá số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hoá của con người trong môi trường số.
Xã hội số là việc đưa công nghệ số, áp dụng những giải pháp số vào cuộc sống hàng ngày. Hoạt động này sẽ dần tạo ra những công dân số và văn hoá số. Trong xã hội số có những hoạt động rất quan trọng và thiết thực đó là ứng dụng các giải pháp số để thay đổi và thuận tiện hơn trong giáo dục, y tế, tài chính.
 
CHUYỂN ĐỔI SỐ VÌ SAO LẠI CẦN?
Chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống người dân.
Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta. Chuyển đổi số cũng là cơ hội lớn của chúng ta trong vòng một vài thập kỷ tới. Những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nhiều chục năm mới phổ biến được vài năm và nhiều chục năm mới có một lần.
Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
CHÍNH QUYỀN SỐ GIÚP ÍCH GÌ?
Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn. Ví dụ: Một em bé khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.
 
TỰU CHUNG LẠI, CHÍNH QUYỀN SỐ GIÚP CHO:
Người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trước đây, người dân có thể sẽ phải nghỉ làm để đến chính quyền xã hỏi, nộp hồ sơ để xin xử lý 01 thủ tục hành chính. Thì bây giờ, người dân có thể tìm hiểu thông tin hướng dẫn trên mạng để chuẩn bị hồ sơ, việc nộp hồ sơ có thể thực hiện bất cứ ở đâu miễn là có mạng Internet, bất cứ lúc nào nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người dân. Cán bộ công chức của chính quyền xã chủ động hơn trong việc xử lý hồ sơ. Các hướng dẫn đã rất rõ ràng và cụ thể ở trên mạng nên các cán bộ công chức không mất quá nhiều thời gian để giải thích, hướng dẫn cho người dân. Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp cũng giúp cho các cán bộ công chức có thêm thời gian để xử lý các công việc khác, tăng thời gian nghiên cứu tìm hiểu chuyên môn, tăng thêm tính chủ động trong công việc.
Tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Lãnh đạo chính quyền nắm tình trạng xử lý công việc của các hồ sơ được dễ dàng hơn và có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình hoạt động chung. Hạn chế được các bất cập phát sinh giữa người dân và cán bộ công chức thực thi của chính quyền. Đồng thời, các thông tin, dữ liệu được số hoá sẽ giúp cho việc nắm bắt thông tin, tình hình, khả năng xử lý tình huống phát sinh trên địa bàn được thuận lợi hơn.

Tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như thực thi của chính quyền thông qua việc ứng dụng và sử dụng các phần mềm dùng chung xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương. Với việc minh bạch, rõ ràng thông tin, sự tương tác giữa người dân và chính quyền được diễn ra thuận lợi hơn. Niềm tin giữa người dân và chính quyền càng ngày càng gia tăng là điều quan trọng và lợi ích lớn nhất mà chính quyền xã số mang lại.
Tăng cường các giải pháp, các công cụ cho chính quyền UBND xã trong việc đảm bảo trật tự an ninh, theo dõi giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội trên địa bàn xã. Ngoài ra giúp cải thiện nâng cấp các kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân, giúp UBND cấp xã theo dõi được tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân về các tình hình liên quan an ninh, kinh tế chính trị.
KINH TẾ SỐ GIÚP ÍCH GÌ?
Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực, địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới. Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.
Đồng thời, thị trường luôn thay đổi, hành vi của người tiêu dùng luôn thay đổi, luôn có một lớp người dùng mới, nhu cầu mới, yêu cầu những trải nghiệm mới nên các hoạt động kinh tế cũng phải thay đổi. Một phương châm trường tồn trong kinh doanh là khách hàng có mặt ở đâu thì doanh nghiệp phải có mặt ở đó. Hiện tại, khách hàng hiện diện trên môi trường số càng nhiều, do đó, nếu các hoạt động kinh tế không sẵn sàng hiện diện trên môi trường này thì sẽ lạc hậu và sẽ mất đi những khách hàng của mình.
Các hộ kinh doanh gia đình, các hợp tác xã trên địa bàn xã nếu áp dụng công nghệ số sẽ có khả năng tăng năng suất hơn. Việc gia tăng năng suất nhờ công nghệ đã được minh chứng rõ ràng. Thông qua các giải pháp kỹ thuật công nghệ thay đổi phương thức, cách thức sản xuất, tăng sản lượng, giá trị trong sản xuất đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch v.v...
Khả năng tiếp cận lượng khách hàng lớn. Trước đây, nếu chỉ đưa sản phẩm ra chợ địa phương để bán thì chỉ tiếp cận được lượng khách hàng trong xã, trong huyện của mình. Ngày nay, nếu như đưa các sản phẩm của mình lên các nền tảng thương mại điện tử thì có thể tiếp cận được khách hàng trên mọi miền tổ quốc, thậm chí đến cả các khách hàng quốc tế. Giúp người dân thông qua các hoạt động thương mại điện tử đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ ở các thị trường bên ngoài địa phương, cải thiện thu nhập và đời sống.
Khả năng tiếp cận các công việc mới cũng được nâng cao. Với nền tảng kinh tế chia sẻ, việc kết nối giữa các bên cung và cầu được dễ dàng hơn. Người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các công việc phù hợp với khả năng.
 

Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Người dân có thể sống khoẻ mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn. Đặc biệt, cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục và tri thức trở nên dễ dàng hơn nhờ môi trường số. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi, mỗi người cũng không ngừng học tập, thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Nhờ giáo dục số, người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tri thức, tự đào tạo các kỹ năng mới để thích nghi với sự thay đổi.
XÃ HỘI SỐ SẼ MANG ĐẾN NHỮNG LỢI ÍCH:
Dễ dàng tiếp cận với tri thức, kiến thức mang đến cơ hội bình đẳng hơn cho mọi người. Với các tạp chí điện tử, thư viện online, kênh Youtube, các nền tảng học trực tuyến, việc học tập trở nên dễ dàng mà chỉ cần có Internet, thiết bị điện thoại thông minh, máy tính. Việc bình đẳng hơn trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục sẽ tạo điều kiện để khoảng cách giàu nghèo thu hẹp.
Việc tiếp cận các dịch vụ y tế được thuận lợi hơn trước đây. Thông qua y tế từ xa, người dân ở các vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với các bệnh viện tuyến với các bác sỹ giỏi.
Với thanh toán không tiền mặt, thời gian giao dịch cũng giảm bớt tiết kiệm thời gian hơn cho người dân. Việc tiếp cận cách dịch vụ tài chính, đầu tư cũng thuận lợi hơn mà không bị giới hạn vì khoảng cách địa lý. Ngoài ra, những dịch vụ mới sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc thanh toán không tiền mặt mà không lệ thuộc vào ngân hàng. Các hoạt động này sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng dữ liệu tín dụng cho người dân, để từ đó, người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Việc tham gia các hoạt động văn hoá, các cộng đồng cũng dễ dàng hơn thông qua các nền tảng mạng xã hội, các diễn đàn. Điều này mang lại cơ hội tiếp cận các hình thức giải trí đa dạng hơn cho người dân.
HỒNG QUÂN.VHTT

Nguồn tin: Nguồn Intnet:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây