Ngày 26/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An (Nghị quyết số 137/2024/QH15) với 453 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,21%). Nghị quyết số 137/2024/QH15 (sau đây gọi là Nghị quyết) gồm 08 Điều quy định bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đối với 04 nhóm lĩnh vực, bao gồm: Quân lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên rừng và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương với một số điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước:
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được quyết định áp dụng trên địa bàn: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%. Ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chỉ khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Tỉnh; các khoản thu này không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách Tỉnh.
Đáng chú ý, Nghị quyết quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể; trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An, việc phân bổ cho địa bàn, nhiệm vụ cụ thể do Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn thu hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của Tỉnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ an sinh xã hội và các trường hợp cần thiết khác.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, trong đó khu vực miền núi chiếm 83% diện tích. Địa bàn miền Tây Nghệ An có 11 huyện, thị xã, là địa bàn có địa hình phức tạp, thường xuyên phải chịu nhiều tác động của thiên tai, nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng miền Tây Nghệ An chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ huyện Nam Đàn góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung của Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025".
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định danh mục các dự án quy định tại khoản này...
Thứ hai, về quản lý đầu tư:
Nghị quyết cho phép UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I. Giữa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) được quy định như sau: Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; các dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; các dự án PPP thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định cụ thể các nội dung của dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án PPP.
Việc thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) được quy định như sau: Hợp đồng BT là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền và được thanh toán từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiền thu từ đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất.
Tỉnh Nghệ An được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tỉnh. Việc thanh toán cho nhà đầu tư quy định trên phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình, dự án, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước...
Thứ ba, về quản lý đô thị, tài nguyên rừng:
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi dự án vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn Tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch; được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất vùng phụ cận được thu hồi để phục vụ tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ. Vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi vùng phụ cận quy định tại khoản này phải được thể hiện trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quy định như sau:
Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích, hiệu quả. Trường hợp sau khi thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đã bảo đảm đủ diện tích trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật, số kinh phí còn dư (nếu có) được nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.
Thứ tư, về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương:
Nghị quyết đã dành một điều quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương (Điều 6). Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 05 Phó Chủ tịch (nhiều hơn các tỉnh khác 01 Phó Chủ tịch). Về tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An, HĐND thành phố Vĩnh được thành lập 03 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. HĐND thành phố Vinh có không quá 02 Phó Chủ tịch và không quá 08 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND thành phố Vĩnh có không quá 04 Phó Chủ tịch.
Các chính sách nêu trên phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Nghệ An, nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, góp phần phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm
Việc ban hành Nghị quyết bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 39- NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
HỒNG QUÂN.VHTT